Hấp dẫn lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer
VHO - Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo luôn là hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng vào dịp trăng tròn của tháng 10 âm lịch. Đến hẹn lại lên, lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo năm nay tiếp tục thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Các đội đua nước rút để cán đích nhanh nhất
Ðây là một trong những lễ hội lớn trong năm cùng với Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta (cúng ông bà) của đồng bào Khmer.
Mang đậm giá trị lịch sử
Lễ hội ra đời gắn liền với lịch sử hình thành tộc người và đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian nên phần lễ là sự phản ánh khát vọng cầu mùa, cầu sức khỏe của cộng đồng người Khmer.
Theo đó, lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo của người Khmer cũng là niềm tự hào của cộng đồng dân cư Nam Bộ khi được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Bên cạnh đó, lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo cũng từng xác lập kỷ lục Việt Nam từ năm 2005 đến nay với số lượng ghe và vận động viên tham gia nhiều nhất. Theo quan niệm của người Khmer, Mặt trăng là một vị thần điều tiết “mưa thuận, gió hòa” giúp mùa màng trong năm tươi tốt, mang lại sự ấm no. Chính vì thế, lễ hội được tổ chức vào thời điểm kết thúc vụ mùa, đó là vào khoảng rằm tháng 10. Với phần lễ, đồng bào nơi đây sẽ chuẩn bị mâm lễ dâng cúng với những sản vật gần gũi với đời sống như khoai môn, khoai mì, trái dừa tươi, chuối, các loại bánh làm từ bột… Trong đó, một lễ vật bắt buộc phải có đó là cốm dẹp, một loại cốm được dùng bằng hạt nếp vừa chín tới rang rồi quết dẹp. Và một nghi thức quan trọng được thực hiện ngay sau đó là đút cốm dẹp. Sau các nghi thức, mâm cúng sẽ được dọn xuống và mọi người cùng quây quần thưởng thức với ý nghĩa chung hưởng lộc của thần Mặt trăng, cũng như thể hiện sự gắn bó, kết chặt tình đoàn kết.
Người dân cổ vũ các đội thi vô cùng nồng nhiệt
Nghi lễ cúng Trăng xong cũng là lúc các hoạt động phần hội được bắt đầu, đặc sắc nhất luôn phải nhắc đến đó là hội Đua ghe Ngo. Giải đua thể hiện sự gắn bó, đoàn kết cộng đồng với sự tham gia của nhiều người. Trong thời gian diễn ra lễ hội, tại nhiều nơi ở Sóc Trăng cũng sẽ diễn ra các hoạt động nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, thể thao, hội chợ hay diễn xướng dân gian truyền thống. Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo năm 2023 diễn ra từ 20 đến 27.11, với nhiều hoạt động, như Liên hoan tiếng hát truyền hình tiếng Khmer khu vực Nam Bộ; triển lãm ảnh nghệ thuật; hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền Sóc Trăng năm 2023; hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Sóc Trăng năm 2023; liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” và xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam với bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST có kích thước 4mx7m; trình diễn Lôiprotip (thả đèn nước) và ghe Cà Hâu…
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu mốc cho chặng đường phát triển của tỉnh Sóc Trăng sau 30 năm tái lập. “Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 ngoài yêu cầu tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc để cùng phát triển, tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng những hoạt động trong khuôn khổ lễ hội sẽ để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng đại biểu, du khách gần xa; thông qua giao lưu văn hóa, kết nối giao thương, kích cầu du lịch, để mọi người thêm hiểu và yêu vùng đất, con người Sóc Trăng”, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc nhấn mạnh.
Những trận đua ghe Ngo vô cùng gay cấn
Sức hấp dẫn của Đua ghe Ngo
Giải Đua ghe Ngo năm nay diễn ra trong 2 ngày 26-27.11, qua đoạn đua từ sông Maspéro đến sông Xung Đinh. Với 46 đội ghe Ngo (40 đội ghe Ngo nam và 6 đội ghe Ngo nữ) đăng ký tham gia đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, TP Cần Thơ và chủ nhà Sóc Trăng. Ở nội dung đua ghe Ngo nam có 40 đội chia làm 10 bảng. Các đội thi đấu vòng tròn một lượt để chọn 32 đội đi tiếp vào giai đoạn 2, theo phương thức bảng 4 đội, chọn 3 đội ở vị trí Nhất, Nhì, Ba. Còn ở nội dung nữ chia làm 2 bảng, mỗi bảng 3 đội ghe, thi đấu vòng tròn một lượt để chọn 4 đội đi tiếp vào giai đoạn 2, thi đấu chọn 3 đội Nhất, Nhì, Ba.
Theo đó, đội bơi ghe thi đấu thường có 70-80 người, là những tay bơi khỏe mạnh được lựa chọn, bao gồm cả tay bơi chính thức và dự bị. Theo truyền thống, trên ghe Ngo cần có 3 người điều khiển. Người ngồi ở vị trí mũi ghe phải là người khá giả, có uy tín trong phum, sóc. Người thứ hai chịu trách nhiệm điều khiển chung bằng cách ra hiệu lệnh bằng còi hoặc cồng, đặc biệt làm vai tròn thúc giục nhóm tay bơi khu vực giữa ghe, được gọi là blong kchay. Người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ điều chỉnh kỹ thuật của các tay bơi, còn gọi là chỉ huy dàn lái (sayak). Sau người ngồi mũi là cặp “con dầm” được gọi là “s’ma tưm”. Để làm chuẩn mực cho các tay bơi ngồi phía sau, cặp này phải có kỹ thuật bơi thật nhanh, theo đúng nhịp cồng hoặc còi.
Tiếp theo đó là “kôn chro va” gồm 6 người ngồi bơi rồi đến “kô lich” là 28 người quỳ bơi. Khi ghe gần đến đích, 28 người này đồng loạt đứng lên, một chân làm trụ, một chân dồn lực đẩy hợp cùng cánh tay bơi dầm để cho ghe có thể lao nhanh nhất về đích, sau đó là 8 “sroong dôn” làm nhiệm vụ nhún bơi. Cuối cùng là 3 tay lái: lái chính đứng sau cùng, 2 lái phụ đứng song song phía trước lái chính. Đặc biệt, khi bơi những chiếc ghe sẽ như một con rắn đang trườn mình trên mặt nước rất sinh động. Thế nhưng, nếu các thành viên của đội bơi phối hợp không nhịp nhàng, ghe rất dễ bị mất thăng bằng và nhanh chóng lật chìm. Vì thế, các tay bơi phải ra sức tập cho thuần thục, theo đúng vị trí của mình hàng tháng trời trước khi bước vào giải đấu.
Có thể thấy, hội Đua ghe Ngo ở Sóc Trăng mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của tộc người Khmer. Trải qua những thăng trầm của thời gian, nhưng về cơ bản hội Đua ghe Ngo vẫn giữ được những giá trị, nét đẹp như thuở ban đầu của cư dân nông nghiệp lúa nước. Không những thế, hội Đua ghe Ngo trong lễ hội Oóc Om Bóc của người Khmer ở Sóc Trăng có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt, góp phần giáo dục về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên, rèn luyện thể chất, từ đó người dân nơi đây ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ. Qua đây còn thể hiện được tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết để tạo thành một sức mạnh vô song, niềm tự hào dân tộc.
Theo thống kê, mỗi năm hội đua ghe diễn ra đã thu hút hàng vạn lượt người đến tham gia, cổ vũ, tìm hiểu, nghiên cứu và con số này tăng dần theo từng năm. Đua ghe Ngo trong lễ hội Oóc Om Bóc đã và đang trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn được du khách khắp nơi, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bản sắc đặc trưng cho cộng đồng dân tộc Khmer ở Sóc Trăng nói riêng và cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 ngoài yêu cầu tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc để cùng phát triển, tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng những hoạt động trong khuôn khổ lễ hội sẽ để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng đại biểu, du khách gần xa; thông qua giao lưu văn hóa, kết nối giao thương, kích cầu du lịch, để mọi người thêm hiểu và yêu vùng đất, con người Sóc Trăng. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng HUỲNH THỊ DIỄM NGỌC) |
HỒNG HẠNH